Bạn có biết luật đất đai hiện nay quy định có bao nhiêu loại đất hiện hành hay không? Đây là vấn đề không phải chỉ những ai làm trong lĩnh vực địa chính, mà cũng là vốn kiến thức mà chúng ta nên biết, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về đất nông nghiệp là gì? đất nông nghiệp gồm những loại nào ở bài viết này nhé!
Đất nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp hiểu đơn giản là loại đất dùng để canh tác hoa màu, nuôi trồng thủy sản hoặc dùng để nghiên cứu, thí nghiệm cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Là tên gọi chung của các nhóm đất sau: đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác. Nghe đến đây, chúng ta lại thấy có một khái niệm nữa xuất hiện đó là “đất nông nghiệp khác” vậy nó là gì?
Đất nông nghiệp gồm những loại nào?
- Đất sản xuất nông nghiệp: là đất dùng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, gồm có đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm.
- Đất lâm nghiệp: Là bộ phận đất nông nghiệp vô cùng quan trọng, bao gồm: đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất từng sản xuất. Đất lâm nghiệp được quy định trong luật đất đai là loại đất được nhà nước giao cho cho các tổ chức, các bên quản lý với mục đích bảo tồn và phục hồi rừng một cách tự nhiên.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản: hiểu nôm na là các loại đất có mặt nước như ao, hồ, sông, ngòi, hoặc đất có mặt nước ven biển, ven sông chuyên dùng để nuôi trồng các sản phẩm thủy, hải sản.
- Đất làm muối: Là đất được quy hoạch để trở thành các ruộng làm muối, được chia ra thành đất làm muối với quy mô công nghiệp và đất làm muối với quy mô thủ công.
- Đất nông nghiệp khác là gì? Khái niệm “đất nông nghiệp khác” được định nghĩa theo Luật Đất đai năm 2013 như sau: là một tiểu loại của đất nông nghiệp, có ký hiệu (NKH), bao gồm:
+ “Đất sử dụng để xây dựng nhà kính, các loại nhà khác nhằm mục đích phục vụ trồng trọt.
+ Đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm, gia súc và các loại động vật khác được pháp luật cho phép.
+ Đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm.
+ Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”.
Quy định về việc sử dụng đất nông nghiệp bạn nên biết
Đất nông nghiệp có được xây nhà không?
Đây là câu hỏi của rất nhiều người, đặc biệt là những người dân đang sở hữu đất nông nghiệp. Tại khoản 1, điều 170 của Luật Đất đai năm 2013 có ghi như sau: “người sử dụng đất phải có nghĩa vụ sử dụng đúng mục đích sử dụng của đất. Mục đích sử dụng đất được ghi rõ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thế người sử dụng không được làm trái với mục đích ghi trên giấy tờ này”.
Đất nông nghiệp có được xây nhà tạm không? Theo quy định, việc xây nhà, hoặc xây nhà tạm trên đất nông nghiệp là trái với mục đích sử dụng của đất nông nghiệp nên sẽ không được phép. Tuy nhiên bạn có thể tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có thể xây nhà mà không vi phạm luật pháp
Thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư
Các trường hợp được cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư được quy định rõ tại Điều 57, Luật Đất đai 2013 như sau:
“hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất ở phải xin phép UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương)”.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, UBND huyện sẽ chỉ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho phép, gồm những điều kiện sau:
- “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”
- “Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”.
Nếu không có sự cấp phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền nơi bạn sống bạn sẽ không thể tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai.
Vậy bạn cần chuẩn bị những giấy tờ gì cho hồ sơ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư?
- Hồ sơ bao gồm: đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bản vẽ thửa đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Hồ sơ được nộp tại phòng Tài nguyên và môi trường của địa phương bạn sống
- Cơ quan tiếp nhận: Phòng Tài nguyên và Môi trường của địa phương nơi bạn sống
- Thời hạn xử lý hồ sơ: tối đa 15 ngày
Đất nông nghiệp có thể được cấp sổ đỏ không?
Đối với những hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp sổ đỏ trong các trường hợp sau:
- Canh tác và sử dụng đất trước ngày Luật đất đai 2013 ban hành và có hiệu lực
- Không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013
- Đất cần làm sổ đỏ phải có cùng hộ khẩu thường trú với nơi ở hiện tại của bạn.
- Phải là đất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc làm muối tại những vùng kinh tế khó khăn
- Được chính quyền địa phương xác nhận là đất không có tranh chấp, được sử dụng liên tục
Nếu có đủ các yêu cầu trên đây thì đất nông nghiệp của hộ gia đình của bạn sẽ được hỗ trợ cấp sổ đỏ
Đất nông nghiệp bao nhiêu m2 được tách sổ?
Rất khó để đưa ra được những con số cụ thể bởi mỗi địa phương sẽ dựa vào quỹ đất và việc sử dụng đất tại từng vùng mà đưa ra quy định tách sổ.
Ở mỗi tỉnh thành, cơ quan có thẩm quyền cao nhất là UBND tỉnh sẽ có quyền quy định mức diện tích tối thiểu khi tách thửa đất nông nghiệp, và có trách nhiệm thông báo đến người dân nếu như có thay đổi. Ví dụ về quy định tách sổ ở một số tỉnh thành:
Quy định tách thửa ở tỉnh Bến Tre: Ở thị trấn: quy định tách thửa tại khu vực quy hoạch đất nông nghiệp là: 300m2. Ở nông thôn: quy định tách thửa ở khu vực quy hoạch đất nông nghiệp là: 500m2
Quy định tách thửa ở tỉnh Hậu Giang việc tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau: Ở Khu vực đô thị: thì diện tích đất nông nghiệp tách thửa đối với đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản là 700m2 đối với đất trồng cây lâu năm, 300m2 đối với đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác. Ở nông thôn: thì diện tích đất nông nghiệp tách thửa đối đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản là 1.000m2, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác là 500m2.
Qua bài viết “Đất nông nghiệp là gì? Đất nông nghiệp gồm những loại nào?” sanbatdongsanvn.vn đã cung cấp cho các bạn toàn bộ những kiến thức mới nhất, cập nhật nhất và bao quát nhất sẽ các bạn hiểu sâu hơn về những vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp và nắm vững được các vấn đề pháp lý có liên quan.